Cao lanh dùng để làm gì – Ứng dụng của cao lanh

      Cao lanh dùng để làm gì ? Cao lanh dùng nhiều trong các lĩnh vực công nghiệp như gốm sứ, giấy, cao su, sơn, làm thủy tinh, làm chất dẻo, xi măng trắng, gạch chịu nhiệt… Ngoài ra còn có trong lĩnh vưc y tế, mỹ phẩm. Trong những năm gần đây, cao lanh còn được sử dụng nhiều trong các lĩnh vực về nông nghiệp. Hãy cùng CeraGlassViet tổng hợp những ứng dụng chi tiết của cao lanh nhé.

 

Cao lanh dùng để làm gì
Cao lanh dùng để làm gì? Cao lanh dùng làm gốm sứ, giấy, sơn, phân bón và nhiều lĩnh vực khác 

Tham khảo: Công nghệ chế biến cao lanh ở Việt Nam.

      Cao lanh là nguyên liệu mang nhiều tính chất kỹ thuật có giá trị kinh tế cao, được dùng trong nhiều lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế quốc dân. Chất lượng và khả năng sử dụng trong các ngành công nghiệp phụ thuộc vào thành phần hoá học, đặc điểm cơ lý, thành phần khoáng vật của Cao lanh.
      Cao lanh được sử dụng rộng rãi hoặc từ cao lanh tự nhiên, hoặc đã được làm giàu. Yêu cầu công nghiệp đối với cao lanh chủ yếu dựa vào chỉ tiêu thành phần hoá học của Al2O3, TiO2, Fe2O3, CaO, SO3… và các tính chất lý hoá, cơ lý như độ phân tán, độ bền cơ học ở trạng thái khô, độ chịu lửa, độ trắng.
      Các ngành công nghiệp sử dụng cao lanh khá nhiều. Dưới đây, đề cập một số ngành công nghiệp chính sử dụng cao lanh.

Cao lanh dùng để làm nguyên liệu cho gốm sứ và vật liệu xây dựng

Trong công nghiệp sản xuất gốm sứ dân dụng (bát cơm, bát tô, đĩa, ấm, chén…), sứ mỹ nghệ (lọ hoa, lục bình…), sứ vệ sinh, gạch ốp, gạch lát…đều sử dụng đến cao lanh. Cao lanh đóng vai trò là nguyên liệu dẻo, chất kết dính để thuận tiện cho việc tạo hình. Đặc biệt đối với các sản phẩm cần độ trắng như sứ dân dụng chất lượng cao thì cần phải quan tâm đặc biệt đến hàm lượng sắt và titan. Đây là nguyên nhân chính gây giảm độ trắng của sản phẩm sau khi nung. Thông thường thì hàm lượng sắt < 0.9%; và titan là <0.1%

Cao lanh dùng để làm chất độn sản xuất giấy

      Trong công nghiệp giấy, cao lanh được sử dụng làm chất độn tạo cho giấy có mặt nhẵn hơn, tăng thêm độ kín, giảm bớt độ thấu quang và làm tăng độ ngấm mực in tới mức tốt nhất. Loại giấy thông thường chứa 20 % cao lanh, có loại chứa tới 40 %. Thông thường, một tấn giấy đòi hỏi 250-300 kg cao lanh. Chất lượng cao lanh dùng làm giấy được xác định bởi độ trắng, độ phân tán và mức độ đồng đều của các nhóm hạt. Cát là tạp chất làm giảm chất lượng cao lanh, vì nó làm giảm độ bóng của mặt.

Cao lanh dùng làm chất tạo huyền phù cho sơn

      Nguyên liệu chế tạo sơn là chất tạo màng, chất làm dẻo,dung môi, chất pha loãng, bột màu và các phụ trợ khác. Trong công nghiệp sơn tường, người ta dùng cao lanh làm chất bột độn, chất huyền phù (thuộc nhóm chất phụ trợ). Cao lanh được sử dụng trong ngành sản xuất sơn dưới hai dạng: cao lanh sống và meta cao lanh. Tính chất của từng loại được quy định theo tiêu chuẩn ISO 3262-8 và ISO 3262-9 bao gồm các thông số: độ sót sàng; mất khi sấy; mất khi nung; kích thước hạt, độ pH.

Cao lanh dùng làm phân bón trong nông nghiệp

      Trong nông nghiệp, cao lanh cũng đóng góp vào làm nguyên liệu để làm phân bón gốc hoặc tạo dung dịch phun lên lá. Đối với cao lanh ứng dụng trong lĩnh vực này cần yêu cầu hàm lượng khoáng caolinit cao và cỡ hạt đã được nghiền mịn kèm sấy khô đến độ ẩm 1-3%.

 Cao lanh dùng làm nguyên liệu sản xuất chất trong công nghiệp hóa học

      Trong công nghiệp hóa học, cao lanh được sử dụng để sản xuất sulfat và chlorit nhôm. Các chỉ tiêu quan trọng của kaolin là hàm lượng Al2O3 không thấp hơn 35-37 %; hàm lượng Fe2O3 < 1-1,2 %; hàm lượng TiO2 < 0,8-1,4 %.

Cao lanh dùng làm nguyên liệu sản xuất gạch chịu lửa cho các lò nung

      Các chỉ tiêu cơ bản đòi hỏi đối với cao lanh sản xuất gạch samôt là Al2O3 = 36-39 %; hàm lượng Fe2O3 < 1,5-2 %, độ chịu lửa 1730-1780oC.